Taxi là phương tiện giao thông công cộng quen thuộc với du khách khi đến bất kỳ quốc gia nào. Tìm hiểu những đặc trưng về taxi ở các nước sẽ giúp bạn trở thành một du khách văn minh ở “xứ người”.
1. Taxi ở Pháp
Taxi ở Pháp có đèn hiệu để báo với mọi người xe đang có khách hay không. Taxi ở Pháp được yêu cầu sơn màu đen. Xe phải đặt một đèn hiệu bên ngoài (gọi là ánh sáng) giúp mọi người xác định xe đang trống khách hay không. Đèn hiệu màu xanh nghĩa là xe không có khách, màu đỏ là đang có khách. Giá taxi ở Pháp khá đắt đỏ, được phân chia theo giá xe ban ngày, ban đêm, vùng ngoại ô... nghĩa là tùy thuộc thời gian và khu vực taxi. Giá taxi do chính phủ quy định.
Du khách khi tới Pháp nên chú ý taxi dù và taxi chính thống. Đặc biệt, những du khách vừa bước xuống sân bay mà có người đến hỏi muốn đi taxi không thì không nên đi theo. Vì đó là taxi bất hợp pháp, không những tiền trả gấp 2 mà còn bị mất đồ đạc. Muốn đi taxi, du khách nên tới bến taxi ngay gần sân bay. Ở Pháp, không có chuyện taxi chính hãng mời mọc khách ngay trong phi trường.
Để có quyền lái xe taxi, người lái xe phải có bằng lái xe 2 năm và chứng chỉ tốt nghiệp bằng taxi (thể hiện bằng tấm thẻ giấy màu hồng phải dán trước kính xe taxi) qua 2 khóa học nữa để lấy thẻ hành nghề taxi. Trước hết tài xế phải học cách hô hấp nhân tạo, cứu người/hành khách bị tai nạn trong xe và một khóa học tổng quát về luật lệ trong thời gian 3 ngày. Khi nhận được tấm bằng tốt nghiệp lớp học tổng quát, họ mới được tham gia khóa học taxi tại Paris trong 3 tháng.
Trong quá trình làm việc, tài xế phải kiểm tra y tế thường xuyên cũng như kiểm tra về vấn đề kỹ thuật của chiếc xe. Tài xế taxi nhiều nhất là người Ả Rập, kế đến người da đen.
Ở Pháp, phụ nữ làm nghề lái taxi, xe lửa, xe điện ngầm là điều bình thường...
2. Taxi ở Anh
Thành phố London (Anh) là số ít nơi được bình chọn có dịch vụ taxi tốt nhất thế giới. “Đồng phục” taxi ở Anh là màu đen – tạo nên biểu tượng cho tiêu chuẩn taxi tại London, Anh và là nét đặc biệt của thành phố này từ thế kỷ 20. Những chiếc taxi màu đen đặc trưng của London có khoang hành khách lớn, cabin cá nhân rộng rãi ở phía sau, chỗ dành riêng cho trẻ em. Ngoài ra, cửa xe được khóa mở tự động những lúc tài xế tăng tốc hoặc phanh để đảm bảo an toàn cho khách ngồi trong xe.
Tài xế taxi ở London rất chuyên nghiệp, văn hóa taxi ở đâu cũng được xếp vào hàng đầu trên thế giới.
3. Taxi ở Mỹ
Thành phố New York, Mỹ có những chiếc taxi tươi tắn. Nổi bật trong đó là các taxi màu xanh lá cây và màu vàng với hơn 13.000 chiếc. Phần lớn các tài xế taxi ở New York xuất thân từ tiểu lục địa Ấn Độ. Không chỉ có tay lái “cứng”, các tài xế taxi ở New York còn phải tuân thủ theo nhiều quy định “lạ” khác như: không được mặc quần short và đi dép. Ngoài ra, trước khi nhận được chứng chỉ hành nghề, họ bắt buộc phải tham dự một lớp học về nghệp vụ taxi, địa lý, tiếng anh. Do đó, dịch vụ taxi ở Mỹ cũng rất tốt, có những người tài xế thông thạo đường phố, lịch sự, uy tín, cung cấp dịch vụ hoàn hảo và chuyên nghiệp
Du khách sẽ dễ dàng bắt gặp một tài xế taxi Cab màu vàng “buôn điện thoại” từ lúc bạn lên xe cho tới lúc bạn đến đích – chuyện thường ngày ở New York. Đừng tỏ ra khó chịu với điều này và trước khi xuống xe hãy nhớ tip cho tài xế khoảng 10% – 20% tiền taxi để trở thành một du khách văn minh, hiểu biết, lịch sự.
4. Taxi ở Đức
Taxi ở Đức là một phương tiện di chuyển cực nhanh và hiệu quả nhờ hệ thống giao thông được đầu tư hiện đại. Ở Đức, taxi thường có màu kem, với nhiều xe “siêu sang”: Audis và Mercedes, BMW, thậm chí có cả Porsche. Theo quy định, tài xế taxi ở Đức có thể dứt khoát từ chối những hành khách say rượu, trang phục nhếch nhác, bẩn thỉu, mang theo vũ khí bên người... Nếu phía khách hàng bất bình, cố gây gổ thì sẽ bị pháp luật “sờ gáy” ngay lập tức.
5. Taxi ở Hàn Quốc
Taxi ở Seoul và một số thành phố tại Hàn Quốc được trang bị thiết bị định vị. Nhưng một số tài xế taxi ở Hàn Quốc thường sử dụng thiết bị này để xem truyền hình trong lúc chạy xe dù đã bị cấm trong những năm gần đây. Tất nhiên, việc những tài xế taxi phớt lờ quy định này và xem phim trong lúc lái xe là không an toàn.
6. Taxi ở Nhật Bản
Người Nhật Bản nổi tiếng với đức tính chăm chỉ, kỷ luật, lịch sự và không gian lận, trong đó có cả tài xế taxi. Do đó, đi taxi ở Nhật Bản, du khách không phải lo về chuyện gian lận, “chặt chém” như ở các quốc gia khác. Tất cả các xe taxi ở Nhật Bản đều có đồng hồ và các cửa hành khách phía sau tự động mở - đóng khi đón và trả khách. Ở Nhật Bản mọi thứ để có giá thành rất cao nên việc giá dịch vụ taxi cao hơn các nước khác cũng là điều bình thường. Do đó, đừng cố trả giá, mặc cả, nghi ngờ tài xế gian lận cước phí khi đi taxi, vì đó là điều không thể ở quốc gia này.
Ngoài ra, du khách cũng không cần trả tiền tip cho các tài xế taxi ở Nhật Bản vì họ sẽ coi điều này là sự xấu hổ. Không chỉ với dịch vụ taxi mà ở trong các ngành dịch vụ khác, người Nhật không có thói quen nhận tiền tip.
7. Taxi ở Ai Cập
Ai Cập có nhiều danh thắng và trải nghiệm thú vị chờ đón du khách, nhưng những chiếc taxi ở Ai Cập thường khiến nhiều du khách e ngại. Xe taxi ở Ai Cập trông cũ kỹ, không có đèn xe nên thường tạo cho du khách cảm giác bất an, thậm chí ngay từ khi xe chưa lăn bánh.
Hơn nữa, tài xế taxi ở Ai Cập có thể là một trong những “tay lái” ngông nghênh nhất thế giới vì không tuân thủ bất kỳ quy tắc nào, thậm chí lái xe mà không cần đặt tay trên tay lái.